Kim chi – “Linh hồn” của ẩm thực Hàn Quốc

0

Cập nhật lần cuối vào 05/01/2021

Mỗi quốc gia đều có món ăn “quốc hồn quốc túy” của mình, thể hiện sự tinh tế và tài hoa từ cách chọn nguyên liệu cho đến chế biến và bài trí. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Hàn Quốc là xứ sở Kim chi, bởi đây chính là món ăn được ví như linh hồn của cả nền ẩm thực lâu đời của đất nước này.

Nói đến ẩm thực Hàn Quốc mà không nhắc tới kim chi là một sự thiếu sót rất lớn. Về cơ bản, kim chi là một hỗn hợp rau củ (gồm có cải thảo, củ cải, dưa chuột, cà rốt…) và các loại gia vị đặc trưng (muối, bột ớt, tỏi, đường, gừng…). Những loại nguyên liệu này được hòa quyện với nhau tạo thành hương vị đặc trưng rất khó quên, vừa có vị chua, cay lại có thêm mặn, ngọt, khiến cho vị giác của bạn bị kích thích vô cùng.

Lịch sử của món kim chi

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, từ những năm 2030 TCN, con người đã biết đem bắp cải ngâm với nước muối để bảo quản chúng được lâu hơn sau mỗi vụ mùa. Sau đó, cách làm này đã trở nên rất phổ biến tại Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên… Tuy nhiên, khi du nhập đến Triều Tiên, người dân nơi đây đã nâng cấp món ăn này lên một tầm cao mới và cho ra món kim chi độc đáo như bây giờ.

Món kim chi Hàn Quốc có nguồn gốc từ thói quen ngâm bắp cải với nước muối để bảo quản chúng lâu hơn

Món kim chi Hàn Quốc có nguồn gốc từ thói quen ngâm bắp cải với nước muối để bảo quản chúng lâu hơn

Theo các tài liệu cụ thể, vào thời Chosun, người dân Hàn Quốc đã sáng tạo và “biến tấu” được khoảng 80 loại kim chi khác nhau. Cho đến thời kỳ Silla thống nhất và bắt đầu bước sang triều đại Cao Ly, kim chi trở thành món ăn vô cùng phổ biến. Từ bàn ăn của vua chúa cho tới tầng lớp nghèo hèn trong xã hội, người dân cả đất nước đều không thể thiếu món ăn này trong mâm cơm.

Ở thời kì này, người ta làm kim chi chủ yếu từ các nguyên liệu là rau xanh ngâm với muối hoặc thêm rượu. Phải đến khoảng những năm 1500, khi bột ớt và chotkal (hải sản ướp muối lên men) ra đời thì kim chi mới có thêm một bước đột phá quan trọng trong mùi vị. Bên cạnh đó, do sự khác nhau giữa khí hậu và đặc trưng mỗi vùng miền, hương vị món ăn này cũng vì thế mà khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn ghé thăm những vùng có khí hậu lạnh, bạn sẽ thấy món kim chi nơi đây có vị nhạt hơn và được cho nhiều ớt hơn.

Món kim chi truyền thống thường được làm vào mùa đông (gọi là kimjang) và làm với số lượng lớn để có thể sử dụng cho nhiều người trong thời gian dài (như một dạng thực phẩm tích trữ). Sau khi cho các gia vị và những nguyên liệu phụ, kim chi sẽ được xếp vào những vại bằng đất nung và chôn xuống đất. Chính những chiếc vại đất này sẽ giúp người Hàn Quốc lưu giữ hương vị tự nhiên nhất cho món ăn.

Bạn có thể tham khảo thêm về những món ăn hàn quốc nổi tiếng để có thể hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc.

Kim chi – câu chuyện tiếp nối từ truyền thống cho đến hiện đại

Cùng với sự phát triển chóng mặt của xã hội Hàn Quốc hiện đại, người phụ nữ đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng hơn ngoài xã hội và có ít thời gian hơn cho các công việc bếp núc. Các nhà sản xuất đã tạo ra nhiều thùng chứa, các thiết bị để bảo quản kim chi trong thời gian dài hơn. Giờ thì sẽ không phải chờ tới mùa đông mới muối kim chi được nữa và cách làm kim chi cũng đơn giản hơn, được hỗ trợ với nhiều công cụ hơn.

Các loại kim chi phổ biến

Các loại kim chi phổ biến

Giờ đây, kim chi không chỉ đơn thuần là một món ăn kèm trên bàn ăn nữa mà nó đã được nâng cấp thành nguyên liệu đặc trưng cho vô số các món ăn trong ẩm thực Hàn Quốc. Bạn có thể nấu canh kim chi, mì kim chí, bánh kim chi rán,… đều rất ngon. Món ăn này không chỉ đặc trưng trên bàn ăn của người Hàn Quốc mà còn vang danh trên toàn thế giới với hơn 100 loại kim chi khác nhau, đủ để thỏa lòng bất cứ tín đồ nào của văn hóa ẩm thực xứ sở này.

Nội dung bài viết được tổng hợp bởi https://quinndanphuong.edu.vn.

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.