Tắm suối nước nóng ở “thiên đường Onsen” miền Nam Nhật Bản

0

Cập nhật lần cuối vào 05/01/2021

Tắm suối nước nóng là một trong những trải nghiệm vô cùng thú vị của du khách khi đến với đất nước mặt trời mọc, đặc biệt là vào mùa đông. Nhật Bản có rất nhiều suối nước nóng, trong đó nổi bật là những nguồn suối khoáng nóng độc đáo có nhiều ở Kyushu.

Đến với vùng đất Kyushu ở phía Nam xứ sở mặt trời mọc, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm cởi hết quần áo rồi ngâm mình vào bể nước suối khoáng nóng độc đáo.

Đứng từ độ cao một tòa nhà nào đó, du khách dễ dàng quan sát thấy những cột hơi bốc lên ở khắp nơi trong thành phố, đó là những nguồn suối khoáng nóng độc đáo có nhiều ở Kyushu (Nhật Bản). Trên hình ảnh là một góc thành phố Beppu thuộc tỉnh Oita, một trong những nơi có nhiều suối khoáng nóng nhất miền Nam xứ sở Phù Tang.

8 khu vực suối nước nóng chính bao gồm Beppu, Kankaiji, Kamegawa, Shibaseki, Kannawa, Myoban, Horita và Hamawaki. Sở dĩ có nhiều suối nước nóng như vậy là do quá trình hình thành từ 9 ngọn núi lửa trên đảo Kyushu.

Nhiều năm qua người dân địa phương đã đưa vào khai thác du lịch, và thành những điểm đến hết sức hấp dẫn. Theo thống kê của Cục xúc tiến du lịch Kyushu, hàng năm có tới hơn 4 triệu lượt khách từ nhiều quốc gia đổ về nghỉ dưỡng và trải nghiệm tắm suối nóng. Nơi đây chỉ đứng sau công viên Yellow Stone của Mỹ về trữ lượng nước khoáng nóng.

Các suối nước nóng này tiếng Nhật gọi là onsen, nó có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, hồng khá thú vị, từ lâu đã là một phần không thể thiếu đối với người dân Nhật Bản, tác dụng chính là chữa bệnh. Câu nói truyền miệng của người Kyushu là “tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan”.

Tắm onsen cũng được sử dụng để chữa các vết thương ngoài da, phục hồi chức năng sau phẫu thuật, những bệnh như thấp khớp kinh niên, đau dây thần kinh, các bệnh về gan, túi mật, cao huyết áp, liệt nửa người…

Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Beppu đều có suối nước nóng cho khách tắm. Tới bất kỳ đại lý du lịch nào cũng thấy có rất nhiều quảng cáo về khu nghỉ suối nước nóng, những cuốn hướng dẫn về cách tắm onsen cũng xuất hiện ở nhiều hiệu sách trong thành phố.

Trên toàn đất nước Nhật Bản nói chung có đến hơn 20.000 suối nước nóng thiên nhiên, tuy nhiên chỉ những nơi nào đáp ứng đủ những điều kiện nhất định về nhiệt độ và thành phần khoáng chất mới được coi là onsen.

Hơi nóng từ onsen còn được dùng để sưởi ấm các căn phòng, nấu ăn, ủ rượu sake  hoặc làm miso. Có những suối nước nóng đạt nhiệt độ cao có thể sử dụng làm nguồn năng lượng cho các trạm phát điện.

Theo đại diện Cục xúc tiến du lịch Kyushu Nhật Bản thì tháng 11 và 12 là thời điểm tắm onsen đẹp nhất trong năm. Mỗi khi tiết trời sang thu người Nhật từ các miền lại rủ nhau đến những vùng có có khu nước suối khoáng nóng để ngâm mình trong làn nước.

Có nhiều kiểu bồn tắm onsen như làm bằng gỗ cây bách, đá tảng, đá cuội hoặc bồn tắm ngoài trời… Không chỉ tắm, nhiều nơi còn làm thêm các bể xông hơi, ngâm chân cho du khách, thậm chí có nhiều trạm miễn phí trên đường phố.

Khi mới đưa chân xuống dưới nước sẽ có cảm giác bỏng rát chân phải rút lên vội nhưng khi quen dần du khách có thể chịu đựng được lâu thời gian hơn, dần dần cảm nhận được sự thú vị từ những nguồn suối này.

Xem thêm bài viết : 

Nhiều hộ gia đình ở Beppu có suối nóng tại gia nhưng vẫn quen tắm nơi công cộng vì chi phí rẻ và tiện lợi hơn. Tại một cơ sở kinh doanh tắm khoáng thuộc tỉnh Saga, nơi đây chuyên phục vụ những người từ trung niên cho đến ngoài 70 tuổi. Những ông cụ, bà cụ yếu phải ngồi xe lăn cũng có thể tự mình tìm đến đây ngồi ngâm mình bằng cả chiếc ghế quay ròng rọc thả từ từ một cách nhẹ nhàng vào trong bể.

Đặc biệt, cách tắm ở đây là không được kỳ cọ gây bẩn bể. Trước khi ngâm mình xuống nước từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ khách bắt buộc phải tắm tráng thật kỹ. Vào trong phòng không được mặc quần áo, và tất nhiên hai phòng nam nữ riêng biệt. Nhiệt độ nước trong bể này thường là từ 39 đến 40 độ C.

Nếu như việc cởi bỏ hết quần áo tắm chung một bể là điều kỳ lạ đối với du khách nước ngoài thì người Nhật Bản họ đã quá quen thuộc và coi như một việc bình thường. Thậm chí những người phụ nữ làm công việc lau chùi dọn dẹp tại đây có thể ra vào phòng tắm của đàn ông một cách thoải mái, không ngượng ngùng, họ cho rằng việc ai người nấy làm.

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.