Mục tiêu đi du học của bạn là gì?

0

Cập nhật lần cuối vào 26/11/2015

Mục tiêu lên đường đi du học của bạn là gì? Đi du học bạn sẽ học được những gì? Cùng ICC giải đáp một số thắc mắc của các bạn sinh viên nhé?

 

Đi du học có thể là một trong những quyết định lớn của bạn. “Tôi có nên đi du học không? Nếu đi du học tôi sẽ được gì?” là những câu hỏi chung của các bạn có ý định đi du học. Vậy đi du học bạn sẽ được gì? Đây thực ra không hề là một câu hỏi dễ dàng trả lời, bạn chỉ có thể trả lời sau rất nhiều năm kể từ đi du học. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều: Du học sẽ là một trong những trải nghiệm rất lớn của bạn.

1. Lý do thông thường nhất: Vì một tương lai tốt đẹp hơn

Tức là, bạn mong muốn học tại một đất nước tiên tiến với một nền giáo dục tiên tiến, học ngôn ngữ và một chuyên môn nào đó của họ. Sau đó bạn đi làm tại nước đó một thời gian, hoặc về nước và xin một công việc với mức lương khởi điểm tốt.

Hoàn toàn chuẩn xác! Nhưng bạn sẽ phải băn khoăn khi tính chi phí bỏ ra và mức lương nhận lại được. Giả sử bạn đi học tại châu Âu, học phí 1 năm khoảng 5000 USD, giả sử sinh hoạt phí là 5000 USD nữa thì 1 năm là 10,000 USD. Bốn năm bạn hết 40,000 USD, một con số khá lớn. Nếu bạn đi làm thì bao giờ bạn lấy lại vốn? Nếu bạn làm tại nước ngoài thì nhìn chung sẽ hoàn lại vốn khá nhanh, còn nếu làm ở trong nước và mức lương cao thì sau một vài năm có thể hoàn vốn được.

Nhưng nếu bạn không học được gì nhiều, chưa kể ngoại ngữ cũng không khá? Có lẽ bạn sẽ chỉ có cái mác “du học” cho oai thôi.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thu nhập chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của du học. Có rất nhiều thứ lớn lao chờ đợi chúng ta phía trước. Đừng ngạc nhiên khi thấy người Âu Mỹ đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Nếu bạn chỉ nghĩ tới thu nhập và cơ hội việc làm thì nhiều lúc có thể bạn sẽ nản. Bạn sẽ tự hỏi liệu mình đang bỏ tiền ra để kiếm lại tiền, mình đang chịu khổ vì một tương lai tươi sáng hay không. Quan điểm của Takahashi là không bỏ tiền ra chỉ để kiếm tiền, và không chịu khổ vì một tương lai không khổ. Nhỡ mọi thứ lại không diễn ra như dự định thì sao nhỉ? Sẽ không có ai bảo hiểm tương lai cho bạn cả.

2. Khát vọng phiêu lưu và khả năng đấu tranh sinh tồn

Khao khát khám phá một thế giới mới lạ, một ngôn ngữ mới, một nền văn hóa mới là một trong những khao khát lớn nhất của nhân loại. Trong cuộc sống, không có con đường màu hồng và du học cũng như vậy. Thế những bạn nhà cực giàu và đi du học kết hợp du lịch các nước thì sao? Quá tốt, nhưng nếu không học được sự TỰ LẬP và thực sự TRƯỞNG THÀNH thì có lẽ cũng khó có thể nói là bạn đã thành công. Khi bạn bước chân ra đi, bạn sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn:

• Một nền văn hóa xa lạ, một đất nước xa lạ

• Cô đơn, cô độc

• Đồ ăn không hợp khẩu vị

• Đi làm, kiếm sống

• Vấn đề va chạm với những người cùng nước

• Khả năng ngôn ngữ

• Vấn đề tài chính, v.v…

Và bạn được hoàn toàn TỰ DO, không ai nhắc nhở hay xen vào cuộc sống của bạn. Bạn sẽ phải xoay sở với mọi vấn đề của bạn thân, từ việc nấu ăn, chăm sóc sức khỏe cho tới lập các kế hoạch tài chính cho việc du học của bạn. Bạn phải học được khả năng xoay sở và hiểu rõ tầm quan trọng của nó, ví dụ như mua đồ ở đâu rẻ, nên tiêu pha thế nào cho tiết kiệm, kế hoạch đi làm để dành tiền để học lên cao thế nào, v.v… Đây gọi là “khả năng đấu tranh sinh tồn”. Nếu bạn có thể sinh tồn được, thì bạn đã tiến một bước dài. Bạn phải sinh tồn được trước khi thực sự tìm thấy niềm vui. (Thật ra thì “đấu tranh sinh tồn” mới chính là NIỀM VUI LỚN NHẤT.) Giá trị lớn nhất mà tôi có thể nhận thấy là:

• Tự do 

• Tự lập 

• Tự quyết định 

Bạn tự quyết định cuộc sống của mình, như thi vào trường nào, học ngành gì, chiến lược thi cử ra sao, và cũng chính bạn tự chịu trách nhiệm với quyết định đó. Bạn cũng quyết định chơi với ai và cạch mặt ai. Mỗi sáng thức dậy, bạn sẽ đau đầu bởi câu hỏi “Ăn gì hôm nay?” và phần lớn thời gian bạn đi quán ăn nhanh McDonald vì không có ý tưởng gì khá hơn, cho tới khi việc ăn uống trở thành một NGHỆ THUẬT và bạn không phải lo lắng về nó nữa. Vấn đề của “đấu tranh sinh tồn” chính là bạn làm mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái. Cái này gọi là NGHỆ THUẬT. Nói đơn giản thì là thế này: Bạn học tiếng Nhật và không dịch được, sau đó bạn giỏi lên và dịch được nhưng tốc độ rất chậm và khá đau đầu. Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, bạn dịch tiếng Nhật mà như tiếng mẹ đẻ, không còn mệt mỏi nữa. Lúc này việc dịch trở thành một nghệ thuật, và bạn chính là nghệ nhân (gọi là 職人 shokunin hay プロ puro). Nếu bạn dịch xong 5 trang tiếng Nhật mà đầu bạn ong ong thì bạn chưa đạt tới trình độ nghệ nhân được.

3. Không có con đường trải đầy hoa và ngập tràn ánh nắng

Đừng nghĩ du học là dễ dàng, nó cũng không dễ dàng giống như bạn … sống trong nước vậy. Nhưng nó có khó khăn hơn không? Cái đó còn tùy bạn. Hãy tận hưởng những gì du học có thể đem đến, đó là TỰ DO – TỰ QUYẾT – TỰ LẬP. Trên đời này vốn không có con đường trải đầy hoa và ngập tràn ánh nắng, chỉ có bạn tự tạo ra con đường như thế thôi. Mà để tạo ra con đường như thế, bạn phải nhìn được thế giới xung quanh và kinh qua khá nhiều thăng trầm. Có cách nào rút ngắn thăng trầm không? Có, hãy học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, bạn có thể tiếp thu bí quyết của họ cũng như tránh được sai lầm của họ. Nhưng riêng việc bạn lập kế hoạch đi du học cũng đã là trải nghiệm đáng quý rồi. Vì bạn đã LẬP KẾ HOẠCH, ít ra là như vậy. Tiếp theo là việc bạn dám bước chân đi phiêu lưu (trên đời thực sự không có gì tuyệt vời hơn phiêu lưu), đó là một bước tiến lớn của việc DÁM LÀM. Những ai dám dấn thân mới có thể đạt được thành quả, mặc dù thành quả đó thường khác xa tưởng tượng ban đầu. Đó chính là điều kỳ lạ của cuộc sống. Bạn muốn đi tới một cái đích nào đó, nhưng trên đường đi bạn còn thu lượm được kết quả lớn hơn nhiều lần cái đích bạn đi tới. Bạn chỉ có thể thu được THÀNH QUẢ LỚN LAO nếu bạn DẤN THÂN mà thôi. Đáng tiếc là không có con đường lập trình tự động (tức là “con đường đầy hoa và ánh nắng”) dẫn tới một thành quả vĩ đại. Tại sao lại như vậy?

Bởi vì một con đường như thế sẽ trở nên NHÀM CHÁN, và bạn biết trước được mình đi tới đâu, đạt được gì. Chẳng có gì là hồi hộp, phấn khích! Điều tuyệt vời trong cuộc sống là chúng ta không biết điều bất ngờ gì sẽ xảy ra, mà điều bất ngờ lại thường chỉ xảy ra trên một con đường gập ghềnh khi chúng ta phải căng sức ra đấu tranh với hoàn cảnh. Bạn đã thấy ai thân nhau chỉ vì ngày nào cũng đi trà chanh chém gió chưa? Thường người ta chỉ thân nhau khi cùng chung chiến hào (“cùng chịu đựng một giáo viên khó chịu”) hay cùng chung lý tưởng (ví dụ “làm sao nấu ăn cho hợp khẩu vị”).

Điều bất ngờ, phấn khích nhiều khi chính là bạn đi đánh cá mà mãi không bắt được con nào, tưởng là bụng đói tới nơi thì lại kéo lên được hòm vàng. À, chẳng cần phải vậy, bạn có thể phát minh ra cách đánh cá hiệu quả hơn hay phán đoán được tập tính của cá chẳng hạn. Nghĩa là, bạn phải TƯ DUY để chống lại nghịch cảnh. Đến một ngày, bạn tích lũy đủ kiến thức và bạn đánh cá như là một NGHỆ THUẬT. Đây gọi là “đấu tranh sinh tồn”. Còn chuyện kéo lên được hòm vàng? Hãy quên nó đi, vì nếu bạn kéo lên một hòm vàng thật thì 10 năm sau bạn sẽ phá sản và đau khổ chính vì cái hòm vàng đó (có khi bạn đầu cơ bất động sản và đang nợ ngập đầu, chứ cũng chẳng quay lại được thời khốn khó ban đầu).

4. Đừng đổ tại du học

Bạn dễ dàng bắt gặp cảnh kêu “Chán, cô đơn”, chỉ ước về nước đi trà chanh chém gió với bạn bè hay ngồi ăn bữa ăn gia đình. Có thực như thế không? Thì đương nhiên là đã đi du học thì có nghĩa là có thể sẽ cô đơn, hay cô độc, và đồ ăn không hợp khẩu vị. Đó là những thử thách bạn phải tìm cách vượt qua. Hoặc nó đánh gục bạn, hoặc bạn vượt qua nó. Cuộc sống là như thế thôi. Thứ gì không đánh gục được bạn thì sẽ làm bạn mạnh lên. Người ta thường hay kêu chán vì:

• Văn hóa không hợp

• Ngôn ngữ không giỏi

• Đồ ăn không hợp khẩu vị

• Không có bạn bè, gia đình, v.v…

Hãy nghĩ lại xem, hồi ở trong nước bạn cảm thấy thế nào? Hay nếu bạn đang sống trong nước thì bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn có … chán không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời dễ thôi. Chẳng ai có thể trà canh chém gió với bạn mãi được, ngồi sẽ rất đau lưng, chẳng có gì để nói, lại khá tốn kém. Còn gia đình thì thậm chí nhiều khi còn chẳng hòa thuận. Chỉ lúc bạn đi xa rồi bạn mới lại thấy quý mà thôi. Nếu bạn đi du học, bạn tưởng tượng bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp như đi uống cà phê với bạn bè, ăn thật nhiều món ngon, …. Khi về nước, mọi chuyện có diễn ra như thế không? Thường là bạn bè sẽ bận và chẳng có thời gian đi chơi, và bạn cũng chẳng có hứng ăn uống nữa vì một nguyên lý giản dị: Ăn nhiều sẽ rất nhanh chán.

Nghĩa là, “du học” không phải căn nguyên của việc bạn chán. Bạn chán là vì bạn không có mục tiêu, lý tưởng theo đuổi thôi. Bạn không du học thì bạn vẫn chán như thường. Ở đây tôi không lên án, vì “chán” chính là một quá trình quan trọng trong việc TRƯỞNG THÀNH. “Chán” là một yếu tố then chốt để bạn phải tự đối thoại với bản thân xem mình cần gì, mình thích gì. Nó là một quá trình TẤT YẾU mà tuổi trẻ phải trải qua. Những người thành công là những người vượt qua nó, những người không thành công là những người trốn tránh tìm ra lý do cho nó (bằng cách lao vào học cái mình không thích, đi làm cái mình không thích, mua cái mình không cần, v.v…).

Ở chiều ngược lại, nhiều người lại cho rằng nhờ “du học” nên họ mới đạt được như ngày nay, tức là một vị thế tốt, một chuyên môn tốt, mức lương cao, v.v… Thì cũng có lý một phần, nhưng không hẳn như thế. Thực ra họ đạt được như vậy là do những kỹ năng “sinh tồn” mà họ học được trong quá trình du học. Ví dụ, nếu bạn đi du học và xin rất nhiều việc làm thêm rồi, thì chắc chắn kỹ năng chọn việc, xin việc, phỏng vấn, v.v… của bạn sẽ tốt hơn hẳn.

Tóm lại, ở đâu cũng sẽ “chán” nếu bạn không có lý tưởng hay mục tiêu đáng giá để theo đuổi.

5. Du học có thể là một trải nghiệm tuyệt vời

Mặc dù đi du học thì bạn phải trải qua nhiều gian khó nhưng đó là một trải nghiệm không hề tệ. Tất nhiên sẽ có những thăng trầm nhưng cuộc sống ở bất kỳ đâu cũng vậy. Trải nghiệm tuyệt vời nhất chính là việc bạn đạt được những cột mốc. Có nhiều cột mốc trong việc du học, từ việc bạn học tiếng và kết thúc khóa học tiếng cho tới thi được vào trường bạn muốn. Bạn thi lấy các loại bằng mà bạn cần. Bạn sắp xếp được cuộc sống. Bạn lên được kế hoạch tài chính. Bạn xin được học bổng. Bạn tốt nghiệp. v.v… Càng nhiều cột mốc đạt được thì cuộc sống của bạn càng dễ chịu hơn. Ví dụ, nếu bạn khám phá được ẩm thực Nhật Bản thì bạn sẽ thấy nước Nhật có một nền ẩm thực tuyệt vời như thế nào. Nó khác xa với cái ngày bạn mới sang Nhật du học và thấy món gì cũng dở.

Khám phá một đất nước mới lạ luôn luôn đem lại đam mê. Nếu bạn từng đến Nhật thì chắc chắn bạn biết khí hậu ôn đới trong lành tuyệt vời như thế nào hay hoa anh đào đẹp thế nào. Nếu bạn không bước chân ra đi thì có lẽ bạn sẽ không thể cảm nhận được những điều kỳ diệu ở thế giới bên ngoài.

6. Du học cũng có thể mang tới rủi ro

Đây là rủi ro về sự thích ứng. Có nhiều người không thích ứng được và bị trầm cảm, hay có khi còn tệ hơn. Hay là bạn mơ mộng quá mức và vỡ mộng vì cuộc sống thực tại (ví dụ nghĩ là ở Nhật thật giàu có và kiếm tiền thật dễ dàng). Có bạn sang Nhật mới phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo. Hay không tuân thủ luật giao thông (cứ sang đường kiểu ta) mà bị tai nạn. Lại có bạn bị bạn bè rủ rê ăn cắp rồi bị bắt. Còn chuyện vay tiền không trả thì không hiếm. Có khi lại bị quấy rối, kiểu một bạn A nào đó lên lớp bạn suốt ngày là “Người VN thì phải thế này thế nọ”, “Đừng làm mất mặt người VN”, v.v… Tệ nhất có lẽ là thay vì học cái tốt, thì lại đi học cái xấu (làm việc quần quật không nghỉ ngơi, không dám từ chối, v.v…). Hay bạn gặp vấn đề về sức khỏe vì bạn không tự chăm sóc sức khỏe của mình được (ở nhà bạn là “con cưng” chẳng hạn).

Du học đòi hỏi phải TỰ LẬP, do đó bạn phải tự thân vận động và tìm hiểu các rủi ro. Nhiều bạn đi du học mà chẳng buồn lên kế hoạch, tin vào việc ở “bển” một tháng kiếm 2000-3000 USD dễ dàng. Thế thì vỡ mộng là đúng rồi, vì ở Nhật ra trường đi làm cũng 2000 USD là cùng (nếu bạn tốt nghiệp đại học). Rủi ro là do chính BẠN mang lại, chứ không phải do du học.

7. Những con người lớn lao

Những con người lớn lao là những con người đi bôn ba trên thế giới chứ ít ai ngồi tại chỗ mà có những phát kiến vĩ đại. Ngay như người Nhật, từ thời cổ họ đã cử người đi du học, chữ kanji chính là do những người này mang từ nhà Đường về. Sau đó, người Nhật dựa vào chữ này để chế ra chữ katakana và hiragana cho riêng mình. Cái mà chúng ta nên học người Nhật chính là tinh thần học hỏi của họ. Không phải ngẫu nhiên mà họ làm ra những sản phẩm tốt nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà họ làm ra được thanh kiếm Nhật hay phát minh ra karate, karaoke v.v…

Những người Nhật nổi trội nhất cũng không phải là những người “chỉ ở Nhật” mà thường là những người bôn ba Âu Mỹ. Như nhà văn Murakami (“Rừng Na Uy”) cũng vậy. Phần lớn những người nổi trội tôi biết đều là những người đã từng sống ở hải ngoại.

Bạn có biết tại sao không? Đó chính là thế giới quan và giá trị quan. Bạn phải ở một nơi xa lạ với một thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan khác với bạn thì bạn mới có thể so sánh. Bạn phải mở rộng thế giới quan của mình để hiểu biết về thế giới xung quanh trước khi làm được gì đó lớn lao cho bản thân hay cho người khác.

Luôn có những người chỉ ở một chỗ và hô những khẩu hiệu suông, rỗng tuếch. Vì họ chẳng bao giờ đi đâu, chẳng bao giờ nhìn thế giới bên ngoài bằng chính đôi mắt của mình.

Chỉ cần bạn bước chân ra đi, bạn đã là một con người khác. Bạn ra đi càng lâu thì bạn lại càng khác. Bạn tiếp tục đi thì bạn sẽ đạt tới những cột mốc của riêng mình. Thế mới có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

8. Mục tiêu lớn nhất của du học: TỰ LẬP – TỰ QUYẾT

Mục tiêu lớn nhất khi bạn còn trẻ là gì? Với tôi đó là tự lập về tài chính, tức là bạn tự sống được bằng sức lao động của mình. Từ đó, bạn sẽ tự quyết định cuộc sống của mình, bạn sẽ làm gì và sẽ sống thế nào. Bạn sẽ phải học khá nhiều, không phải từ trường học, mà từ một thứ lớn hơn đó là CUỘC SỐNG. Bạn sẽ phải đi xin việc làm thêm, phải tự tính toán chi phí, để dành tiền cho mục đích tiếp theo. Đó là những trải nghiệm cần thiết để bạn TRƯỞNG THÀNH. Bạn có thể va chạm, vấp ngã, nản lòng, v.v… nhưng một ngày nhìn lại, bạn sẽ thấy đó là những KINH NGHIỆM TUYỆT VỜI. Nếu bạn không DẤN THÂN, thì bạn sẽ khó có thể tích lũy những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn quý giá.

Chúng ta phải TRẢI NGHIỆM, THỬ NGHIỆM trước khi tìm ra được CON ĐƯỜNG CỦA MÌNH. Mà bạn lại chỉ có thể làm thế nếu bạn có thể tự mình quyết định. Nếu bạn không ở một mình, sẽ có rất nhiều tiếng nói xung quanh, bạn khó có thể tập trung được, và cũng không thể tự quyết được.

9. Người bạn thật sự

Việc bạn đi phiêu lưu đòi hỏi bạn phải có đồng minh và thiết lập các liên minh. Đây cũng là nguyên lý cơ bản của dân du mục. Bạn có thể sẽ tìm được người bạn thật sự. Đó là người giúp bạn tìm ra một lý tưởng, hay cùng chung lý tưởng, hay giúp bạn tìm ra con đường của mình. Đó không phải người luôn có mặt khi bạn buồn (những người như thế cũng thường “buồn” 24/7 và còn khiến bạn buồn thêm), cũng không phải người luôn có mặt khi bạn rủ đi nhậu (“chỉ tốn tiền”). Bạn sẽ nhận thấy là mỗi người bạn thường chỉ hợp một khía cạnh, và tình bạn cũng thay đổi thăng trầm theo thời gian. Nó cũng như lý tưởng của bạn vậy, trước khi tìm thấy con đường của mình thì bạn sẽ phải THỬ NGHIỆM khá nhiều thứ. Một con đường dài và thăng trầm (cả vui lẫn buồn) như “du học” cũng là phép thử cho mọi loại tình bạn. Chính bạn sẽ thay đổi, và những người không theo được sự thay đổi của bạn sẽ lần lượt trượt khỏi cuộc sống của bạn, những người mới sẽ xuất hiện. Cuộc sống sẽ luôn thay đổi không ngừng như vậy, cũng như chính bạn sẽ thay đổi sau chuyến du học. Liệu bạn đã sẵn sàng bước chân ra đi và khám phá thế giới?

Với một số bạn có thể nghĩ đi du học là điều bình thường, là khó khăn là vất vả nhưng với người khác thì đi du học là ước mơ, một ước mơ to lớn, họ khát khao cháy bỏng được đặt chân lên đất Nhật Bản 1 lần . Mình nghĩ nếu ai được gia đình ủng hộ tạo điều kiện cho đi du học nước ngoài thì hãy tận dụng tốt cơ hội này nhé, hãy cố gắng học tập và làm việc thật tốt trong những năm sống tại nước ngoài, nó sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn, trang bị cho các bạn đầy đủ hành trang bước tới 1 tương lai tươi đẹp.

theo yurika.saromalang

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.